Những điều bạn “nên làm” và “không nên” khi viết sơ yếu lý lịch mang “phong cách” Canada.
Làm thế nào để có được công việc mơ ước ở Canada? Sơ yếu lý lịch chỉ là một trong những bước tìm việc ở Canada — và đây cũng không phải là bước đầu tiên. Trước khi ngồi xuống để tìm hiểu kiến thức chuyên môn, bạn hãy nghiên cứu về thị trường việc làm của Canada và xác định các công ty mà bạn muốn ứng tuyển. Trang web của chính phủ Canada có cung cấp một số công cụ giúp bạn tìm kiếm việc.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa sơ yếu lý lịch để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng Canada. Mỗi nhà tuyển dụng sẽ có sở thích riêng và có các phương pháp đánh giá khác nhau trong mọi ngành. Do đó, ở đây chúng tôi chỉ sẽ cung cấp một số ý tưởng chung về sơ yếu lý lịch.
5 điều không nên làm khi viết sơ yếu lý lịch ở Canada
Đừng thêm ảnh
Không giống như một số quốc gia khác, ở Canada, bạn không cần phải đưa ảnh của mình vào CV – trừ khi bạn là diễn viên hoặc người mẫu. Nói chung, thông tin duy nhất bạn cần có trong CV là những gì liên quan đến tin tuyển dụng.
Đừng chia sẻ quá mức
Bạn không cần phải ghi hết thông tin cá nhân vào CV. Thông tin cá nhân duy nhất mà nhà tuyển dụng cần đến là tên và cách liên hệ với bạn. Họ không cần biết bạn bao nhiêu tuổi, bạn đến từ quốc gia nào, chủng tộc của bạn là gì, tôn giáo của bạn là gì, tình trạng hôn nhân hay bất cứ điều gì về gia đình của bạn. Trên thực tế, đây là những vấn đề được phép bảo mật theo luật nhân quyền của Canada.
Ngoài ra, CV không phải là nơi để tiết lộ Số Bảo hiểm Xã hội (SIN). Người sử dụng lao động không cần biết điều đó cho đến khi bạn đã được tuyển dụng. Thẻ SIN là tài liệu bí mật và bạn chỉ nên chia sẻ khi được yêu cầu về mặt pháp lý.
Tất cả những gì bạn cần đưa vào CV là các kỹ năng, kinh nghiệm có liên quan và thông tin liên hệ cơ bản như tên, số điện thoại và email. Địa chỉ gửi thư không phải lúc nào cũng cần thiết, đặc biệt là khi bạn đang tìm kiếm việc làm ở một thành phố khác. Nếu bạn muốn chứng minh bạn đang ở gần nơi làm việc thì bạn có thể thêm vào nhưng hầu hết những người tìm việc đều thấy thông tin này không cần thiết.
Xem thêm:
- Số lượng vị trí cần tuyển dụng ở Canada vẫn ở mức cao trong tháng 8 vừa qua
- Làm thế nào để tiếp tục ở lại Canada sau khi PGWP hết hạn?
- Làm thế nào để nhập cư vào Alberta khi không có lời mời làm việc?
Đừng viết quá nhiều
Về độ dài, CV dài một trang giấy là tốt nhất nhưng nếu có hai trang thì cũng không sao. Nếu bạn mới bắt đầu sự nghiệp và chưa có nhiều kinh nghiệm thì bạn có thể đưa các mục ít liên quan vào CV. Còn nếu bạn đã có kinh nghiệm thì hãy mô tả kinh nghiệm phù hợp với công việc nhất.
Nói chung, chỉ cần viết sao cho sơ yếu lý lịch ngắn gọn và hấp dẫn, “có thể đọc được”. Các nhà tuyển dụng có thể hiểu được trải nghiệm của bạn mà không có cảm giác như họ phải đọc một cuốn tiểu thuyết.
Không thêm tài liệu tham khảo
Khi nào cần đến tài liệu tham khảo, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu. Ngoài ra, nếu bạn muốn nêu tên người tham khảo thì nên báo trước với họ. Trò chuyện trước với người tham khảo cũng là cách giúp bạn xác định xem người này có thực sự đưa ra đánh giá tốt về bạn hay không.
Không sử dụng địa chỉ email không phù hợp
Các nhà tuyển dụng chú ý đến những chi tiết này và họ có thể đánh giá không tốt nếu nhận bất kỳ địa chỉ email hài hước nào của bạn ở trường trung học. Do đó, hãy sử dụng địa chỉ email có tên của bạn.
5 cách viết sơ yếu lý lịch Canada
Chỉnh sửa CV cho phù hợp với tin tuyển dụng
Bạn sẽ mất nhiều thời gian để điều chỉnh lại CV sao cho phù hợp với từng vị trí tuyển dụng nhưng nếu làm vậy, bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Đừng dùng phương pháp “gửi hàng loạt và cầu nguyện” với mẫu sơ yếu lý lịch chung chung.
Bạn vẫn không chắc mình nên trình bày kinh nghiệm làm việc theo thứ tự nào? Những kỹ năng nào cần bao gồm và những kỹ năng nào cần bỏ qua? Bạn chưa chọn được từ ngữ phù hợp? hãy nhìn vào tin tuyển dụng. Đây là manh mối đầu tiên về những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và ngôn ngữ mà họ muốn nhìn thấy trong CV.
Bảng mô tả công việc sẽ liệt kê các bằng cấp công việc. Bạn hãy dựa vào đó để đưa các kỹ năng cần thiết vào CV.
Định lượng thành tích
Cố gắng định lượng thành tích bằng những con số, nếu có thể. Ví dụ: nếu bạn là quản lý, thì bạn đã có kinh nghiệm giám sát bao nhiêu người. Nếu bạn làm công việc bán hàng, bạn đã bán được bao nhiêu sản phẩm? Bạn đã thu được bao nhiêu lợi nhuận trong mỗi tháng?
Liệt kê những thành tích cụ thể bằng những con số mà nhà tuyển dụng có thể hiểu được để làm nổi bật các kỹ năng hơn là lời nói chung chung. Chỉ cần nói bạn đã tăng lưu lượng truy cập vào trang web công ty lên 20% trong vòng một năm thì nhà tuyển dụng đã có thể hiểu bạn đang làm gì.
Viết ở ngôi thứ ba
Khi viết ở định dạng ngôi thứ ba, bạn sẽ không dùng từ “I,” “me,” hoặc “my”. Điều này sẽ giúp rút gọn câu và chỉ tập trung trình bày ý chính.
Đối với kinh nghiệm làm việc, hãy thêm tên và vị trí làm việc, liệt kê một số trách nhiệm bạn đã từng đảm nhận. Ghi số năm bạn đã làm việc tại công ty hoặc nếu làm việc dưới một năm, bạn có thể ghi số tháng. Nếu trong thời gian làm việc, bạn có một khoảng thời gian nghỉ ngơi thì không cần giải thích trong CV. Nếu cần, nhà tuyển dụng sẽ hỏi trong lần phỏng vấn.
Đối với trình độ học vấn, hãy liệt kê trường học, chương trình, thông tin nhập học và ngày tháng. Tùy thuộc vào vị trí đang ứng tuyển, bạn có thể viết thêm điểm trung bình, nhưng thường thì thông tin này không cần thiết. Bạn có thể viết thêm các giải thưởng ở mục này hoặc trong phần “giải thưởng” riêng biệt.
Liệt kê kinh nghiệm làm việc không được trả lương
Bạn có thể viết thêm kinh nghiệm làm tình nguyện, miễn là kinh nghiệm này phù hợp với yêu cầu của vị trí bạn đang ứng tuyển.
Viết kèm lá thư xin việc
Ngay cả khi nhà tuyển dụng không yêu cầu thì bạn vẫn nên gửi kèm lá thư xin việc.
Thư xin việc sẽ tô điểm thêm cho sơ yếu lý lịch và cho nhà tuyển dụng thấy lý do tại sao bạn là người phù hợp nhất với công việc mà họ đang tuyển dụng.
Thư xin việc phải có thông tin liên hệ của công ty và của bạn. Bạn chỉ nên viết ngắn gọn trong một vài đoạn văn và không nên viết hết trang.
Bạn có thể viết ở ngôi thứ nhất. Mục tiêu là kết nối với nhà tuyển dụng. Chỉ gọi tên nhà tuyển dụng khi bạn biết chính xác tên của người sẽ xem xét CV của mình. Lưu ý, bạn không nên thêm tiền tố vào vì ngày nay, bắt đầu một lá thư bằng từ “Sir” hoặc “Madame” đã không còn thích hợp, trừ khi bạn biết chắc nhà tuyển dụng thích được gọi như vậy.
Đoạn đầu tiên nên giới thiệu bạn là ai và tại sao bạn muốn ứng tuyển công việc này. Trong các đoạn tiếp theo, bạn hãy chứng minh lý do tại sao bạn là ứng viên tốt nhất cho vị trí này, đề cập đến kinh nghiệm có liên quan trước đây.
Kết thúc thư bằng lời cảm ơn.
Nguồn CIC news,
Tiếng Việt: Visanada