Về tổng thể, chính sách nhập cư Canada đang đứng ở vị trí thứ 04 thế giới nhờ cải thiện những giải pháp tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quyền công dân.
Gần đây, Chỉ số Chính sách Hội nhập Di cư (MIPEX) đã thực hiện một cuộc khảo sát xếp hạng hiệu suất chính sách nhập cư của các quốc gia trên thế giới, trong đó, chính sách nhập cư Canada nằm ở vị trí thứ 04 trong số 52 quốc gia.
MIPEX là một tiêu chuẩn quốc tế toàn diện để đánh giá các chính sách hội nhập. Các chính sách này của chính phủ ảnh hưởng người nhập cư mới trong khía cạnh cơ hội tìm việc làm, khả năng tiếp cận chương trình đào tạo ngôn ngữ và giáo dục, điều kiện hòa nhập và phát triển để trở thành những công dân tham gia đầy đủ vào xã hội.
Anna Triandafyllidou, Chủ tịch nghiên cứu Canada Excellence về Di cư và Hội nhập tại Đại học Ryerson cho biết: “Điểm số MIPEX giúp chúng tôi đánh giá được mức độ chính sách của mình, để chúng tôi biết là mình có đang hỗ trợ hay cản trở những người mới đến trên con đường hòa nhập vào xã hội Canada. Chỉ số này giúp chúng tôi so sánh hiệu suất của mình theo thời gian và xác định liệu chúng tôi có khả năng cải thiện hoặc tiềm năng học hỏi từ các quốc gia khác hay không.”
Trong ấn bản năm 2020 của MIPEX, xếp hạng tổng thể của Canada đã tăng hai điểm nhờ những giải pháp cải thiện về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người xin tị nạn và những cải tiến đối với Đạo luật Quốc tịch năm 2017. Vào năm 2015, Canada đã đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng chung thế giới.
Theo báo cáo, lợi thế lớn nhất của Canada là chính sách chống phân biệt đối xử. Chính sách này nhận được điểm số cao nhất nhờ có các luật và chính sách hàng đầu thế giới, bao gồm các chính sách đa văn hóa được liệt kê trong Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada.
Canada mất điểm vì trong chính sách có quy định những người không có tư cách công dân, chẳng hạn như thường trú nhân, không có cơ hội tham gia chính trị ở cấp địa phương hoặc quốc gia. Ngoài ra chính sách còn thiếu các đại diện thường trú nhân trong các cơ quan hoạch định chính sách. Tuy nhiên, thường trú nhân có cơ hội nhập quốc tịch, mang lại cho họ quyền bầu cử, tương đối nhanh chóng. Thực tế này đã giúp Canada có thêm một số điểm.
Trong số những điểm cần cải thiện thì sự dịch chuyển của thị trường lao động là điểm đáng chú ý nhất. Những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp hoặc có giấy phép lao động tạm thời bị hạn chế trong quá trình tìm việc làm. Điều này cũng khiến người nhập cư gặp hạn chế khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Các chính sách đoàn tụ gia đình được đánh giá tốt trong báo cáo. Mặc dù, người ta chỉ ra rằng trẻ em, cũng như cha mẹ và ông bà phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn hơn trong quá trình đoàn tụ ở Canada so với các quốc gia khác nằm trong top 10.
Về con đường thường trú, Canada mất điểm vì quá trình này có thể kéo dài và gây khó chịu cho số lượng lao động nhập cư tạm thời.
Giáo dục ở Canada cũng được đánh giá cao nhờ chính sách giáo dục đa văn hóa và công bằng giúp trẻ em cảm thấy an toàn khi đến trường. Tuy nhiên, cần có hỗ trợ tốt hơn trong chương trình giảng dạy, nghề giảng dạy và giáo dục đại học.
Quốc gia đạt điểm cao nhất thế giới là Thụy Điển với 86 điểm. Phần Lan đứng thứ hai với 85 điểm. Bồ Đào Nha được 81. Canada đứng sau với 80 điểm, và New Zealand đứng thứ 5 với 77 điểm.
Thomas Huddleston, Giám đốc Nghiên cứu của Nhóm Chính sách Di cư cho biết: “Trong số các quốc gia nói tiếng Anh, Canada đang trở thành một điểm nhập cư hấp dẫn toàn cầu. Canada, cùng với New Zealand, đang chiếm vị trí của các quốc gia đứng đầu trước đó như Úc, Anh và Hoa Kỳ, tất cả đều tụt hạng trong bảng xếp hạng MIPEX trong lần đánh giá này dưới áp lực của các lực lượng chính trị dân túy.”
Nguồn CIC news,
Tiếng Việt: Visanada