Gần 14.000 đơn xin tị nạn đã được sinh viên quốc tế tại Canada nộp trong chín tháng đầu năm 2024, đánh dấu mức tăng gần 14% so với số liệu của năm ngoái.
Theo dữ liệu của IRCC do The PIE thu thập, sinh viên quốc tế đã nộp hơn 13.600 đơn xin tị nạn tại Canada từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 30 tháng 9 năm 2024.
Trong đó, phần lớn đơn xin là do sinh viên quốc tế nộp theo diện giấy phép du học và gần 1500 sinh viên đang được gia hạn giấy phép du học tại quốc gia này.
Số liệu năm 2023 cho thấy sinh viên quốc tế nộp gần 12.000 đơn xin tị nạn – số lượng tăng mạnh so với chỉ 1.810 đơn xin vào năm 2018, theo báo cáo của Globe and Mail.
“Trên toàn thế giới, số lượng xung đột và khủng hoảng ngày càng tăng đã dẫn đến tình trạng tăng nhu cầu tị nạn trên toàn cầu và Canada cũng là một trong những lựa chọn phù hợp”, một phát ngôn viên của IRCC nói với The PIE.
“Theo luật, bất kỳ ai xin tị nạn tại Canada đều có quyền được đánh giá đủ điều kiện xin tị nạn. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là người xin tị nạn sẽ được bảo vệ và được phép ở lại Canada”.
Dữ liệu cho thấy sinh viên đến từ Ấn Độ, Nigeria, Ghana, Guinea và Cộng hòa Dân chủ Congo có số lượng giấy phép và đơn xin gia hạn cao nhất trong năm nay.
Bộ trưởng Di trú Marc Miller đã viết một lá thư cho Cao đẳng Tư vấn Di trú và Quyền công dân để nêu bật những lo ngại về việc tăng số lượng sinh viên quốc tế nộp đơn xin tị nạn tại Canada trong năm nay.
**CICC, một cơ quan quản lý tại Canada, giám sát việc quản lý các cố vấn về di trú và quyền công dân và cố vấn cho sinh viên quốc tế.
Mặc dù Miller đã đánh giá cao nỗ lực của CICC khi ngắt kết nối cho 3.000 trang web do những người hành nghề không được cấp phép điều hành, nhưng ông đã nêu lên mối lo ngại về việc sinh viên bị bên thứ ba dẫn dắt cung cấp thông tin sai lệch trong đơn xin tị nạn.
Tư vấn cho người xin tị nạn khai man để ở lại Canada hoặc xin thường trú là trái với mục tiêu của hệ thống di trú Canada
Marc Miller, Bộ trưởng Di trú Canada
“Canada cam kết hỗ trợ những cá nhân cần được bảo vệ. Tuy nhiên, tư vấn cho người xin tị nạn khai man để ở lại Canada hoặc xin thường trú sẽ trái với mục tiêu của hệ thống di trú Canada”, trích trong bức thư của Miler gửi cho John Murray, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của CICC.
Miller cho rằng sự gia tăng đơn xin tị nạn một phần là do các khiếu nại gian lận mà các cố vấn di trú phi đạo đức này đã thúc đẩy.
Theo ông, điều kiện ở các quốc gia nguồn hầu như không thay đổi như vậy nghĩa là hướng dẫn bên ngoài có thể là một yếu tố quan trọng tác động đến quyết định nộp đơn của sinh viên.
“Như các bạn đã biết, nếu các cố vấn di trú được cấp phép là người tham gia vào quá trình gian lận thì sự tham gia của họ có thể cấu thành hành vi vi phạm mục 12 của Quy tắc ứng xử nghề nghiệp dành cho Người được cấp phép của Cao đẳng Tư vấn Di trú và Quyền công dân”, trích trong bức thư.
Theo Miller, một số sinh viên đã nghe theo lời dẫn dắt, quyết định nộp đơn xin tị nạn ngay sau khi đến Canada, thường là trong năm đầu tiên.
“Chúng tôi thường thấy những khiếu nại này được nộp trong năm đầu tiên, đôi khi vì những lý do không hợp lệ, chẳng hạn như giảm học phí xuống bằng mức học phí trong nước. Có ai đó đang thừa cơ và lợi dụng chính sách hỗ trợ của Canada.”
Hơn nữa, Miller đã kêu gọi CICC điều tra các cố vấn được cấp phép, xem liệu họ có phải đang tư vấn không đúng cách cho sinh viên quốc tế nộp đơn xin tị nạn hay không.
Theo báo cáo của Globe and Mail, các tổ chức Canada có số lượng người xin tị nạn cao nhất trong năm nay cũng là những tổ chức có nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất cả nước.
Sáu trong số 10 trường cao đẳng hàng đầu đến từ Ontario, với Cao đẳng Conestoga (520), Cao đẳng Seneca (490) và Cao đẳng Niagara (410) ghi nhận số lượng người xin tị nạn nhiều nhất vào năm 2024.
Bên cạnh một số đại diện trường đại học bày tỏ sự ngạc nhiên trước số lượng người xin tị nạn đến từ trường của mình thì vẫn có những người cho biết họ không biết bất kỳ thông tin nào về vấn đề này.
Theo Daljit Nirman, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập của Nirman’s Law, sự gia tăng đơn xin tị nạn có thể khiến các cơ quan quản lý di trú Canada phải điều hướng qua nhiều tác động khác nhau.
Nirman, một luật sư và giáo sư luật, có trụ sở tại Ottawa, cho biết: “Thời gian xử lý có thể kéo dài do khối lượng công việc tăng lên đối với các cơ quan quản lý di trú, dẫn đến sự chậm trễ trong việc ra quyết định cho người nộp đơn”.
Do đó, đề xuất của Nirman lúc này là những sinh viên muốn nộp đơn xin tị nạn có thể đi theo các con đường cụ thể, bao gồm ‘nộp đơn xin bảo vệ người tị nạn tại cảng nhập cảnh khi đến Canada hoặc tại một văn phòng nội địa nếu họ đã ở trong nước.’
“Những yêu cầu này được đánh giá theo Bộ phận Bảo vệ Người tị nạn (RPD) của Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada (IRB). Đối với những người đã cư trú tại Canada, các yêu cầu tị nạn nội địa được xử lý dựa trên nỗi sợ bị ngược đãi hoặc rủi ro của cá nhân nếu họ trở về nước”, Nirman cho biết.
Tuy nhiên, luật sư cảnh báo sinh viên không nên tin rằng chỉ cần xin tị nạn là có thể thuận lợi định cư tại Canada vì không có gì là dễ dàng.
“Mặc dù có thể mang lại sự cứu trợ tạm thời, nhưng việc xin thường trú thông qua tị nạn là một thách thức và liên quan đến các quy trình pháp lý nghiêm ngặt. Các yêu cầu sai hoặc không có căn cứ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm các hành động pháp lý và khả năng bị trục xuất khỏi đất nước”.
Sự gia tăng số lượng người xin tị nạn diễn ra vào thời điểm Canada dự kiến sẽ giảm gần 50% giấy phép du học trong năm nay do một loạt các thay đổi chính sách nhằm hạn chế số lượng cư dân tạm thời trong nước.
Vào tháng 9 năm 2024, chính phủ Canada đã giảm mục tiêu cấp giấy phép du học quốc tế xuống 10% so với mục tiêu năm 2024 là 485.000.
Những thay đổi gần đây cũng dẫn đến hơn 10.000 thư chấp nhận của sinh viên quốc tế từ các tổ chức Canada bị đánh dấu là có nguy cơ gian lận.
Bronwyn May, tổng giám đốc Chi nhánh sinh viên quốc tế tại Bộ Di trú, đã thông báo với các đại biểu quốc hội vào tuần trước rằng IRCC đã chặn được hơn 10.000 thư chấp nhận có nguy cơ gian lận thông qua quy trình xác minh của mình trong năm qua.
Các cuộc kiểm tra chặt chẽ hơn đã có hiệu lực sau khi một cố vấn di trú Ấn Độ lừa đảo hàng nghìn sinh viên từ tiểu bang Punjab ở miền bắc Ấn Độ bằng các thư chấp nhận giả mạo, khiến nhiều người trong số họ phải đối mặt với các phiên điều trần trục xuất tại Canada.
Nguồn tin từ trang The PIE